GIỚI THIỆU BỘ TIÊU CHUẨN ISO
ISO 9000 là bộ tiêu chuẩn về Quản lý chất lượng do Tổ chức quốc tế về Tiêu chuẩn hoá (ISO) ban hành. Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 gồm các tiêu chuẩn qui định những yêu cầu của một hệ thống quản lý chất lượng mà doanh nghiệp muốn được chứng nhận phải áp dụng (như ISO 9001/2/3:1994 hoặc ISO 9001:2000) và các tiêu chuẩn hỗ trợ khác.
Trong lần ban hành trước doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng theo 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:
- ISO 9001: Mô hình đảm bảo chất lượng trong thiết kế, triển khai, sản xuất, lắp đặt và dịch vụ kỹ thuật.
- ISO 9002: Mô hình đảm bảo chất lượng trong sản xuất, lắp đặt và dịch vụ kỹ thuật.
- ISO 9003: Mô hình đảm bảo chất lượng trong kiểm tra và thử nghiệm cuối cùng
Lần ban hành mới nhất vào cuối năm 2000 vừa qua, cả 3 tiêu chuẩn trên được gộp lại thành tiêu chuẩn duy nhất là ISO 9001:2000 (ISO 9001:2000 Hệ thống quản lý chất lượng – Các yêu cầu). áp dụng tiêu chuẩn mới này, doanh nghiệp được linh hoạt hơn trong việc thiết kế một hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với hoạt động của mình, ngoài ra số lượng văn bản cần xây dựng là do doanh nghiệp tự xác định trên cơ sở đảm bảo kiểm soát một cách có hiệu quả các hoạt động của mình.
8 nguyên tắc của quản lý chất lượng
- Hướng vào khách hàng (Customer focus)
- Sự lãnh đạo (Leadership)
- Sự tham gia của mọi người (Involvement of people)
- Cách tiếp cận theo quá trình (Process Approach)
- Tiếp cận theo hệ thống đối với quản lý (System approach to management)
- Cải tiến liên tục (Continual Improvement)
- Quyết định dựa trên sự kiện (Factual approach to decision making)
- Quan hệ hợp tác cùng có lợi với người cung ứng (Mutually Beneficial supplier relationships)
Lợi ích của việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000
- Cải thiện uy tín của Doanh nghiệp nhờ nâng cao khả năng thoả mãn khách hàng của Doanh nghiệp,
- Tăng lượng hàng hoá/dịch vụ bán ra nhờ nâng cao khả năng thoả mãn các nhu cầu của khách hàng của Doanh nghiệp,
- Giảm chi phí nhờ các quá trình được hoạch định tốt và thực hiện có hiệu quả,
- Nâng cao sự tin tưởng nội bộ nhờ các mục tiêu rõ ràng, các quá trình có hiệu lực và các phản hồi với nhân viên về hiệu quả hoạt động của hệ thống,
- Các nhân viên được đào tạo tốt hơn,
- Nâng cao tinh thân nhân viên nhờ sự hiểu rõ đóng góp với mục tiêu chất lượng, đào tạo thích hợp, trao đổi thông tin hiệu quả và sự lãnh đạo,
- Khuyến khích sự cởi mở trong tiếp cận các vấn đề chất lượng, nhờ đó khả năng lặp lại ít hơn,
- Tạo cơ sở cho hoạt động chứng nhận, công nhận và thừa nhận:
- Được sự đảm bảo của bên thứ ba,
- Vượt qua rào cản kỹ thuật trong thương mại,
- Cơ hội cho quảng cáo, quảng bá.
Các bước xây dựng ISO 9000
- Đánh giá thực trạng doanh nghiệp so với yêu cầu tiêu chuẩn.
- Thiết kế và xây dựng Hệ thống văn bản quản lý chất lượng
- Đào tạo nhận thức ISO 9000 cho lãnh đạo và cán bộ nhân viên.
- Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng
- Đánh giá nội bộ, khắc phục các điểm không phù hợp.
- Đánh giá chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng.
- Duy trì, cải tiến hệ thống chất lượng sau chứng nhận.
Yêu cầu đối với Doanh nghiệp khi xây dựng Hệ thống ISO 9000
- Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án. Thành phần Ban này bao gồm Ban Giám đốc, Phụ trách các Phòng trong phạm vi xây dựng hệ thống. Ban này tốt nhất là nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc doanh nghiệp.
- Chỉ định một Đại diện lãnh đạo về chất lượng QMR chịu trách nhiệm chính trong quá trình triển khai thực hiện dự án và là đầu mối làm việc với bên Tư vấn. Đồng thời nên cử 1 thư ký dự án trợ lý cho QMR giải quyết sự vụ, tác nghiệp văn bản.
- Thành lập nhóm thực hiện ISO9000 tại các phòng ban đồng thời phải cử cán bộ thường trực làm đầu mối liên hệ với tư vấn và những người có trách nhiệm của Doanh nghiệp.
- Lãnh đạo Doanh nghiệp cần dành thời gian để định kỳ gặp gỡ, nắm tình hình tiến độ và những đề xuất từ phía tư vấn.
- Thực hiện kịp thời các công việc đã thống nhất sau mỗi buổi làm việc.
- Cung cấp nguồn lực để thực hiện một số chương trình sắp xếp, cải tạo nhằm đáp ứng và thực hiện tốt các yêu cầu của tiêu chuẩn.