KHẢO SÁT 10.000 HA VÙNG TRỒNG LÚA ORGANIC TẠI AN GIANG
Vừa qua ngày 31 tháng 05 năm 2016, đoàn chuyên gia của Tổ chức chứng nhận NHO phối hợp với đại diện Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn An Giang, giám đốc Ông Trần Anh Thư và đại diện đơn vị thu mua lúa gạo Organic xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời đã thực hiện cuộc khảo sát 3 vùng trồng lúa tại An Giang để chọn khoảng 10.000 ha phù hợp áp dụng tiêu chuẩn Nông Nghiệp Hữu Cơ của Canada (COR) trong 5 năm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu
Ảnh: Đoàn chuyên gia NHO, Giám Đốc Sở NN&PTNT An Giang, ông Trần Anh Thư (Thứ 6 từ trái qua) và Đại diện Tập đoàn Lộc Trời tại vùng khảo sát
Nếu miền Tây Nam bộ được xem là vựa lúa của cả nước thì An Giang được xem là trung tâm của vựa lúa miền Tây.Đoàn chuyên gia của tổ chức NHO đã tiến hành khảo sát các yêu cầu cơ bản, điều kiện canh tác đối với các yêu cầu của tiêu chuẩn Organic tại khu vực trồng lúa An Phú thuộc xã Vĩnh Lộc với diện tích khoảng 30.000 hecta. Ở khu vực này, có những hộ dân canh tác lúa đã hơn 10 năm không sử dụng các loại thuốc trừ sâu.
Ảnh: Trưởng đoàn khảo sát, Ông Hoàng Bá Nghị trao đổi kỹ thuật cùng nông dân trồng lúa
Trong chuyến công tác này, đoàn chuyên gia NHO cũng đến khảo sát vùng trồng lúa khu vực xã An Cư, huyện Tịnh Biên thăm vùng trồng lúa mùa cao sản với diện tích khoảng 8.000 ha. An Cư là một xã vùng biên giới Tây Nam Việt Nam, tiếp giáp với Campuchia. Đây là một vùng tập trung nhiều người dân tộc Khmer nghèo, canh tác nông nghiệp là chính, khu vực này nằm cách xa sông, nguồn nước khan hiếm, nước dùng chủ yếu là nước mưa và các mạch nước nhỏ trong đất. Do nhu cầu sử dụng nước ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là vào mùa khô rất gay gắt, việc tìm kiếm nguồn nước được đặt ra để phục vụ sinh hoạt và canh tác nông nghiệp của người dân. Do đó Sở NN&PTNT An Giang đã thực hiện dự án xây đập dẫn nước tại nơi đây phục vụ cho việc tưới tiêu nông nghiệp khoảng 600 ha, giải quyết phần nào khó khăn về nguồn nước cho vùng đất này.
Ảnh: Giám Đốc Sở NN và PTNT An Giang,Ông Trần Anh Thư đang hướng dẫn, chỉ đạo chọn vùng áp dụng tiêu chuẩn Organic
Tiếp theo đoàn đánh giá cũng đã khảo sát khu trồng lúa chuyển đổi từ rừng tràm được khoảng 10 năm nay. Nơi đây có tên gọi là khu rừng tràm Bình Minh thuộc xã Tà Lãnh với diện tích khoảng 996 ha. Cư dân canh tác nơi đây chủ yếu là bà con người dân tộc Khmer. Bà con nơi đây đã thực hiện việc canh tác lúa theo định hướng của nhà nước.
Ảnh: Đoàn đánh giá đang trao đổi và thảo luận về điều kiện thực tế của vùng trồng lúa
Trong cùng ngày, đại diện của Tổ chức NHO, ông Hoàng Bá Nghị và đại diện Sở NN và PTNT An Giang, Giám Đốc ông Trần Anh Thưcũng đã đến thăm nhà máy xay xát lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời và qua đó Ông Nghị cũng có một số góp ý việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm tại nhà máy xay xát để đảm bảo cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn trong cả chuỗi từ trang trại, nhà máy chế biến cho đến siêu thị, người tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm, cũng như hướng tới tạo lòng tin cho đối tác, nhà nhập khẩu và khách hàng.
Ảnh: Ông Trần Anh Thư, Ông Hoàng Bá Nghị thăm nhà máy xay xát lúa của Tập Đoàn Lộc Trời
Ảnh: Ông Hoàng Bá Nghị thăm nhà máy sấy lúa của Tập Đoàn Lộc Trời
Để đảm bảo sản phẩm đầu ra ổn định cho bà con nông dân canh tác lúa theo hướng hữu cơ, Sở Nông Nghiệp và PTNT An Giang, cùng với Tổ chức NHO đã có buổi trao đổi với Tập đoàn Lộc Trời về việc cung cấp cán bộ kỹ thuật, cung cấp phân bón hữu cơ, bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định, đảm bảo thu nhập cao hơn, hiệu quả hơn so với sản xuất lúa truyền thống. Mặt khác tổ chức NHO cũng đề nghị các bước chuẩn bị để thực hiện việc áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ, đồng thời đưa ra lộ trình diện tích áp dụng tiêu chuẩn Nông Nghiệp Hữu Cơ từ 500 ha cho năm đầu tiên, khoảng 1.500 ha cho năm thứ 2, khoảng 3.000 ha cho năm thứ 3, 4 và 2.000 ha cho năm cuối. Có thể nói, cơn khát thực phẩm sạch của người tiêu dùng đang là cơ hội để ngành Nông Nghiệp Việt Nam đi tiên phong trên thế giới về việc sản xuất lúa gạo hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường, xã hội.
Xu hướng tiêu dùng của thế giới từ nhiều năm nay cũng như tương lai là thực phẩm không hóa chất, tốt cho sức khỏe. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, khi ngộ độc thực phẩm và ung thư quá nhiều thì người tiêu dùng đang có thiên hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ nhiều hơn
Theo ông Hoàng Bá Nghị, Giám đốc Tổ chức chứng nhận NHO cho rằng Việt Nam có cơ hội rất lớn để chuyển đổi sang trồng lúa nông nghiệp hữu cơ và tạo ra thương hiệu quốc tế về sản phẩm lúa organic vừa bổ dưỡng, an toàn vừa thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần phát triển một ngành nông nghiệp bền vững, cân bằng sinh thái.
Cũng theo ông Nghị, điều kiện ở Việt Nam rất thuận lợi trong việc sản xuất nông nghiệp sạch do khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước thích hợp. Nhận xét của ông Hoàng Bá Nghị dựa vào nhiều năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ nông dân Việt Nam thoát nghèo bền vững nhờ sản xuất nông sản xanh, sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.
Đôi nét về Tập đoàn Lộc Trời
Thành lập vào năm 1993, Tập Đoàn Lộc Trời bắt đầu từ một văn phòng nhỏ ở tỉnh An Giang với số vốn 750 triệu đồng và 23 nhân viên. Đến 2014, công ty đã mở rộng thành tập đoàn có vốn điều lệ đạt 652 tỷ đồng, 3.400 nhân viên, cùng 5 nhà máy chế biến gạo ở khắp Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Tập đoàn Lộc Trời tiền thân là Công Ty CP Bảo Vệ Thực Vật An Giang. Sau 22 năm hoạt động, Công ty đã trở thành nhà sản xuất, cung ứng dẫn đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, với chuỗi giá trị bền vững từ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm hữu cơ sinh học, chế biến lương thực, thực phẩm và các sản phẩm giá trị gia tăng cho lúa gạo.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Lộc Trời còn được sách kỷ lục Guiness Việt Nam trao chứng nhận cho gần 1.325 cán bộ kỹ thuật "3 cùng"là“cùng ăn”, “cùng ở”và “cùng làm”với thành tích lực lượng "Cùng nông dân ra đồng" đông nhất Việt Nam. Hình thành từ 2006, lực lượng “3 cùng”đã đưa hơn ngànkỹ sư nông nghiệp ra đồng ruộng để hỗ trợ 25.000 nông dân khắp đất nước trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao.