NHO-QSCert ĐÁNH GIÁ CHỨNG NHẬN ISO 9001:2015 CHO CTY BIA SÀI GÒN – TÂY ĐÔ
ÁP DỤNG ISO 9000 TẠI VIỆT NAM: NHÌN LẠI MƯỜI NĂM
Sau 10 năm, Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 đã mang lại lợi ích gì cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam và cần phải làm tiếp những gì để ISO 9000 tạo ra bước đột phá trong cạnh tranh khi Việt Nam tham gia WTO?
Năm 1995, Tập đoàn APAVE (Pháp) là đơn vị tiên phong đưa các giải pháp quản lý (chất lượng, môi trường, thử nghiệm không phá hủy, tư vấn giám định độc lập...) vào Việt Nam, trong đó có ISO 9000.
Quả thật, ISO 9000 đã góp phần không nhỏ làm thay đổi sự lãnh đạo và quản lý các doanh nghiệp, thay đổi tư duy quản lý, kinh doanh của nhiều chủ doanh nghiệp, họ đã có tầm nhìn chiến lược trong kinh doanh, làm ăn có bài bản, không theo kiểu trước mắt. Có thể đưa ra vài sự kiện cụ thể.
Thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh
Đến năm 2002, các thành viên chủ lực của Tổng công ty dệt may Việt Nam đã đưa ISO 9000 vào đời sống kinh doanh và sản xuất. Nếu không có sự áp dụng này, ngành dệt may Việt Nam không tạo được niềm tin với bạn hàng quốc tế rằng chất lượng là một tố chất chính của chiến lược kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam.
Một thành công đáng ghi nhận nhất là các tổng công ty xây dựng - xây lắp (công nghiệp và dân dụng) như Lilama, Vinaincon, Coma, Vinaconex, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Tàu biển Việt Nam... đã áp dụng ISO 9000 ngay từ năm 1997. Đến nay các tổng công ty này đã thực sự đóng vai trò tổng thầu (EPC) cho một số dự án tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Trong lĩnh vực thủy sản, nông sản, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến để xuất khẩu thủy sản đã thực hiện từ khâu sản phẩm phải có chất lượng ổn định (áp dụng ISO 9000) và phù hợp với chuẩn mực vệ sinh ATTP (HACCP) và đã thành công vượt qua những rào chắn kỹ thuật của những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật, EU.
Trong 10 năm qua, nhờ áp dụng ISO 9000, chất lượng dịch vụ của các tổng công ty dịch vụ (bưu chính viễn thông, hàng không, du lịch...) và các ngân hàng thương mại lớn đã tăng lên rất đáng kể. Ngay từ năm 1995, Tổng công ty Dầu khí đã đưa ISO 9000 đến các công ty thành viên, kể cả những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu như Viện NIPI.
Trên diện vĩ mô, sau 10 năm, trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, xây dựng, thủy sản, nông nghiệp, bưu chính viễn thông, ngân hàng, du lịch, tàu biển... đã có một bước tiến rõ nét về chất lượng thông qua việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 9000 và các ngành này đã lần lượt đưa chất lượng là một trong những yếu tố chính trong chiến lược phát triển và kinh doanh của mình.
Không phải là hình thức
TS. Nguyễn Công Phú, Tổng giám đốc APAVE Việt Nam và Đông Nam Á, đưa ra ba hệ quả của ISO 9000: hệ thống quản lý chất lượng sẽ làm giá thành giảm, tăng sức cạnh tranh, quản lý chất lượng được duy trì, cải tiến liên tục sẽ tạo niềm tin đối với thị trường, hệ thống quản lý chất lượng độc đáo tạo dựng thương hiệu là niềm hãnh diện của nhân viên - động lực quan trọng cho doanh nghiệp huy động được tổng lực từ con người.
Tuy nhiên, mặc dù một số công ty đã thiết lập một hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 trong ngành bưu chính, dầu khí, xây dựng nhưng vẫn xảy ra chuyện thất thoát, lãng phí, tham nhũng làm tổn thương đến uy tín của ngành và giảm lòng tin của người tiêu dùng.
Ông Phú cho rằng, trong số khoảng 2.000 doanh nghiệp đang áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 9000 ở Việt Nam (trên tổng số hơn 200.000 doanh nghiệp đang hoạt động), có không ít doanh nghiệp làm theo kiểu phong trào. Người ta có ISO thì mình cũng cần phải có, để phục vụ cho mục đích quảng cáo. Những doanh nghiệp này không áp dụng ISO 9000 một cách thực chất nên đã để xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Một ví dụ, nếu doanh nghiệp thật sự đưa bộ tiêu chuẩn ISO 9000 vào đời sống của doanh nghiệp, chứ không phải vì những lý do hình thức chủ nghĩa và tiêu chuẩn của ISO 9000 luôn được duy trì, cải tiến định kỳ thì chuyện "rút ruột thép" ở công trình chung cư tại Hà Nội vừa rồi khó có thể làm được; chuyện nghẽn mạch mạng di động trong dịp Tết vừa qua có thể đã không xảy ra.
Vì sao có tình trạng như vậy? Ông Phú lý giải: một doanh nghiệp thực sự đưa bộ tiêu chuẩn ISO 9000 vào đời sống của doanh nghiệp mình có nghĩa là họ đã có một thể chế lãnh đạo, điều hành và quản lý doanh nghiệp theo 3 tiêu chuẩn chính sau:
- Các mối quan hệ về trách nhiệm, quyền hạn, hàng dọc -hàng ngang đã được làm rõ cho các chức năng lãnh đạo, điều hành và quản lý.
- Sự phân quyền và ủy quyền đi đôi với một sách lược giám sát đồng bộ.
- Quy định rõ: người nào việc nấy, giờ nào việc nấy, linh hoạt có quy củ.
Sự lãnh đạo, điều hành, quản lý có hiệu qủa thông qua việc áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9000 có được nhờ những biện chứng cơ bản sau:
- Mọi quá trình hoạt động của doanh nghiệp được sắp xếp để có thể có được những dự đoán chính xác giữa đầu vào và đầu ra. Có nghĩa là: nếu muốn được kết qủa "đầu ra" này thì nguồn lực "đầu vào" tương ứng phải như thế nào?
- Các quá trình phải được sắp xếp thành một hệ thống logic được ấn định trước.
- Vì có tính hệ thống, tính logic nên những bất cập trong hoạt động dễ được nhận dạng, sửa sai, cải tiến. Nhờ những biện chứng này, ba chức năng lãnh đạo, điều hành, quản lý doanh nghiệp được thực hiện một cách tập trung, đúng đắn và hiệu quả.
Như thế, bộ tiêu chuẩn ISO 9000 càng phát huy được hiệu qủa nếu ban lãnh đạo của doanh nghiệp có được quyền hạn, trách nhiệm lớn trong việc ấn định, quyết định những chiến lược, sách lược vĩ mô cho doanh nghiệp mình.
Tiêu chuẩn ISO trước ngưỡng cửa WTO
Theo TS. Nguyễn Công Phú, thời gian tới, khi Việt Nam gia nhập WTO, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO sẽ tạo ra những hiệu qủa cho phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu.
Cụ thể là, bộ tiêu chuẩn ISO 9000 sẽ tạo ra hiệu qủa kinh tế lớn, có tính đột phá, tạo ra cấp số nhân về phát triền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới nếu nó được áp dụng rộng rãi, thực chất cho cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, hiện khối doanh nghiệp này chưa tiếp cận được với ISO 9000.
Hiện nay, ngay tại các nước công nghiệp tiên tiến, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 2/3 tỷ trọng trong nền kinh tế, nhiều tập đoàn đa quốc gia nếu không có những vệ tinh là những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới thì sẽ không thể phát triển được.
Ở Việt Nam có đến 200.000 doanh nghiệp, ít nhất 2/3 là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn hiệu qủa thì nền kinh tế sẽ phát triển rất nhanh, tạo ra hàng núi công ăn việc làm, tạo ra bước phát triển đột phá để Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp các nước trong khu vực. Việt Nam cần kết hợp các tri thức về quản trị khác để nâng cao hiệu qủa áp dụng của bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9000, đặc biệt đưa những thành tựu công nghệ thông tin vào áp dụng theo một lộ trình rõ ràng, tùy vào nguồn lực của từng doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có tư duy phát triển từ doanh nghiệp nhỏ (doanh nghiệp gia đình có từ 3-4 người), sau 5 năm thành doanh nghiệp vừa (100 lao động) và sau 5 năm nữa sẽ trở thành doanh nghiệp lớn (1.000 lao động). Đưa ISO 9000 vào khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là một tác nhân rất quan trọng để nhanh chóng phát triển từ doanh nghiệp nhỏ thành vừa và thành doanh nghiệp lớn. Bởi ISO 9000 có ưu điểm rất lớn là có thể áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp quy mô gia đình chỉ có 3-4 lao động đến doanh nghiệp Nhà nước hay các tập đoàn xuyên quốc gia có hàng vạn lao động.
Cuối cùng, TS. Nguyễn Công Phú đưa ra một bằng chứng là APAVE Việt Nam và Đông Nam Á đang làm ISO 9000 cho Công ty tư nhân Tân Thiên ở Hà Nội. Công ty này chỉ có 3 người, chuyên kinh doanh thương mại mua và bán hàng. Ông khẳng định rằng, với đội ngũ chuyên viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, APAVE Việt Nam và Đông Nam Á có thể giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đạt được ISO 9000 chỉ trong vòng từ 5-9 tháng và sẽ thấy hiệu qủa kinh tế ngay sau 1-2 năm áp dụng thực sự.
(VNECONOMY)